Ngày 24/01/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Thay vì đánh giá hoặc đề ra các yêu cầu đối với chuẩn trình độ của cán bộ, công chức, viên chức (về ngạch, bậc, hoặc quy hoạch, bổ nhiệm) bằng các loại chứng chỉ A, B, C như trước kia nữa, một loạt các văn bản quy phạm pháp luật mới đã “nhanh chóng” cập nhật Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc để làm tiêu chuẩn.
Sự chuyển dịch về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 24/01/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. KNLNNVN được phát triển dựa trên cơ sở tham chiếu, ứng dụng CEFR và một số khung trình độ tiếng Anh của các nước, kết hợp với tình hình và điều kiện thực tế dạy, học và sử dụng ngoại ngữ ở Việt Nam. KNLNNVN được chia làm 3 cấp (sơ cấp, trung cấp, cao cấp) và 6 bậc (từ 1 đến 6 và tương thích với các bậc từ A1 đến C2 trong CEFR).
Hiện nay, phần lớn CBCCVC trong Ngành đều sử dụng chứng chỉ A, B, C. Thông tư số 09/2010/TT-BNV ngày 11/9/2010 của Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ, tại các điều khoản quy định về trình độ đều yêu cầu: “Có ngoại ngữ trình độ C (B) trở lên (một trong năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức) hoặc một ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí làm việc”.
Dưới sự tác động và hiệu lực của một loạt văn bản quy phạm pháp luật mới, để đảm bảo tính chính xác, cập nhật và đồng bộ giữa các văn bản cũng như việc quản lý cán bộ, Bộ Nội vụ đã dự thảo Thông tư mới để ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ, chứng khoán. Trong đó, tại các điều khoản quy định về trình độ đều yêu cầu: “Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 (3) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT về khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam”.
Dựa theo khung năng lực, trình độ ngoại ngữ của CBCCVC sẽ được sắp xếp từ 1/6 (sơ cấp) đến 6/6, trong đó bậc 3/6 và 4/6 là chuẩn phổ biến nhất.
A1, A2, B1, B2, C1, C2 tương ứng 6 cấp độ năng lực ngôn ngữ của Khung tham chiếu chung châu Âu (CEFR) với A1 là cấp thấp nhất (cấp độ 1), C2 là cấp cao nhất (cấp độ 6). Sự tương thích giữa Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam và Khung tham chiếu chung châu Âu cụ thể như sau:
KNLNNVN | CEFR |
Sơ cấp: Bậc1, bậc 2 | A1, A2 |
Trung cấp: Bậc3, bậc 4 | B1, B2 |
Cao cấp: Bậc 5, bậc 6 | C1, C2 |
Điều đó có nghĩa là, CBCCVC có thể sử dụng các chứng chỉ từ A1, A2, B1, B2, C1, C2 để sắp xếp trình độ của mình. Bằng cấp này có giá trị vĩnh viễn (lifetime validity).
Cơ sở được cấp chứng chỉ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc
Hiện tại Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận 10 cơ sở giáo dục đào tạo được tham gia rà soát năng lực ngoại ngữ giáo viên tiếng Anh và được cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, danh sách như sau:
- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội
- Trường Đại học Hà Nội
- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế
- Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng
- Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
- Trung tâm SEAMEO RETRAC
- Đại học Thái Nguyên
- Trường Đại học CầnThơ
- Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- Trường Đại học Vinh
(Thông báo Kết luận số 826/TB-BGDĐT ngày 5/8/2011; số 896/TB-BGDĐT ngày 24/8/2011; số 42/TB-BGDĐT ngày 11/1/2013)
Những giáo viên được các cơ sở giáo dục và đào tạo trên cấp chứng chỉ ngoại ngữ (theo Khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam) đều được công nhận và tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh mới theo Công văn số 792/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 25/2/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện Yêu cầu cơ bản về năng lực giáo viên tiếng Anh phổ thông.